Thứ năm, 7/10/2021 | 02:08 GMT+7

Ca sĩ Ngọc Tân - Tài hòa, bạc mệnh

LĐST - Ca sĩ Ngọc Tân (1948 – 2004) là người con Hà Nội; được giới chuyên môn đánh giá là người hát hay nhất những ca khúc về Hà Nội. Ông đã đoạt Giải Đặc biệt cuộc thi nhạc nhẹ "Con người và biển cả" tại Cộng hòa Dân chủ Đức (năm 1979).

Vào thập niên 1980, ông vướng vòng lao lí. Ra tù, bằng niềm đam mê nghệ thuật và sự giúp  đỡ của bạn bè, ông được trở lại sân khấu ca nhạc, dành lại sự hâm mộ đặc biệt của khán giả.

Mùa Thu năm 2004, ông ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và công chúng yêu âm nhạc.

Nhân ngày giỗ của ông, Tạp chí Lao động và Sáng tạo giới thiệu bài viết của Nhà văn Châu La Việt – bạn thân thiết của ông như nén hương tưởng nhớ người nghệ sĩ Hà Nội tài hoa, bạc mệnh.

ngoctan2-615df2d540bda

Ca sĩ Ngọc Tân

Vợ chết chìm trên biển, con bơ vơ, thân tù tội.

Năm 1981, tôi cùng đoàn văn nghệ sỹ TP. Hồ Chí Minh đi thực tế lâm trường Mã Đà (Đồng Nai). Ngồi lên xe, nhạc sỹ Trần Tiến thì thầm vào tai tôi: ”Ngọc Tân vượt biên rồi". Choáng váng. Như nghe gió thổi ù hết hai tai.

Đêm ấy không ngủ được, nằm nhớ bạn, tôi viết bài thơ, trong đó có mấy câu: “Bạn ra đi tôi đã mất bạn rồi/Ta mất nhau trong tình yêu thứ nhất/Ta mất nhau trong tình yêu Tổ quốc/Ngã ba nào nơi ta phải chia tay?...”.

Thương Ngọc Tân quá. Khi đó, Ngọc Tân mới ngoài 30, anh đã nếm trải bao đắng ngọt của cuộc đời. Anh từng tranh thủ sau các đợt diễn, vào Nam ra Bắc, buôn bán hết phụ tùng cơ khí, đồng hồ đến ô tô xe máy cũ để “xóa đói, giảm nghèo”.

Anh từng bị cháy nhà, may mà được Nhạc sĩ Phan Long kịp đạp cửa xông vào cứu được… bộ tem phiếu! Anh từng bị kẻ gian nửa đêm đột nhập vào nhà... Bấy giờ Ngọc Tân phải đưa cả vợ con vượt biên bằng đường biển, trốn sang nước ngoài để mong có cuộc sống no đủ hơn.

Sau này, Ngọc Tân kể: Tàu đi từ vùng biển Đông Bắc trong một đêm yên ắng, đã tưởng xuôi, ai ngờ đi được một thôi đường bỗng thấy cá nhảy rào rào trước mặt, nhảy cả vào khoang thuyền. Điềm gở rồi.

Thêm một quãng, trời mây xám xịt, bão tố nổi lên, cuồng phong thịnh nộ, tàu bị đánh dạt vào vùng biển miền Trung tan nát, kẻ sống người chết. Như một định mệnh, Hà - người vợ yêu qúy của Ngọc Tân vĩnh viễn nằm lại vùng biển Hà Tĩnh, Ngọc Tân bế được con vùng vẫy dạt được vào bờ, nhưng từ đây vướng vòng lao lý!

Ngọc Tân kể tiếp, buổi đầu vào tù, bị “đại bàng” đánh phủ đầu một trận thừa sống thiếu chết. May có kẻ nhận ra Ngọc Tân. Tha, không đánh nữa, nhưng chúng bắt hát…thay ăn.

Vợ mới chết, con bơ vơ, thân tù tội. Thế mà cứ phải dọn giọng “Một chiều mùa hè, gặp nhau trên bến cảng...” bất biết ngày, đêm. Hát mà ứa nước mắt. Kép Tư Bền cũng đến thế là cùng!

“Núp” tên gọi Bảo Hà để được hát.

Mãn hạn tù, Ngọc Tân trở về trơ trọi nhưng không nguội lạnh. Nếu chỉ đơn thuần mưu sinh với anh không khó, nhất là nhà bố mẹ anh ngay trước cửa Chợ Giời. Nhưng tình yêu nghệ thuật trong anh vẫn chưa nguôi, vẫn thôi thúc, như trong bóng đêm lại càng bừng sáng.

Nhưng vào lúc ấy, ai cho một kẻ vượt biên làm người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa văn nghệ? Cánh cửa nghệ thuật đã đóng sập với Tân.

Nhớ một đêm đông mưa rét, bế đưa con côi cút qua rạp Đại Nam, thấy ánh đèn mời gọi, lại nghe tiếng con thơ ngây: “Bao giờ bố hát?”, Tân thảng thốt, chua xót, nước mắt cứ trào ra đẫm má... Và chợt nghĩ, chào Hà Nội thôi!

Qua bạn bè giới thiệu, Ngọc Tân vào Đà Lạt, lặng lẽ sắm vai một gíáo viên thanh nhạc của Đoàn ca múa nhạc Lâm Đồng. Thù lao cho thầy chủ yếu là những rổ khoai, đĩa sắn, thi thoảng có thêm dăm ba quả trứng gà. Nhưng Tân hạnh phúc vì được sống cùng nghệ thuật, được hát lại.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn vẫn nhớ và kể về những ngày ở Đà lạt của Ngọc Tân, nhọc nhằn nhưng vẫn ngọt ngào chất ngất, da diết những Hương tràm, Giá em đừng yêu anh, Gửi nắng cho em... mà có lần Ngọc Tân hát cho sinh viên Đại học Đà Lạt nghe.

Sau nửa năm ở Đà Lạt, Tân về Tp. Hồ chí Minh, hợp với Trần Tiến, “song kiếm hợp bích " với nghệ danh mới là Bảo Hà (Bảo - Bảo Long, tên con và Hà, tên người vợ đã khuất). Đêm đêm hai ca sĩ “khủng long” chở nhau trên một chiếc PC “Đèn đỏ thì chạy mà đèn xanh thì dừng”, chạy show đủ các sân khấu.

Cũng có khi họ có những hợp đồng đi diễn xa với ông bầu Vũ Ân Khoa, cùng ca sỹ Thanh Lan “Bắc tiến”. Nhưng dù “núp” tên gọi mới là Bảo Hà, nhiều địa phương vẫn kiên quyết không cho Ngọc Tân diễn. Có nơi bởi không biết Bảo Hà là ai, chuẩn y, nhưng đến khi băng rôn căng lên, ai đó viết thêm vào: “Ca sĩ Bảo Hà chính là ...Ngọc Tân”, lập tức cơ quan chức năng...tuýt còi!

Nhớ một đêm cùng Trần Tiến, Thanh Lan ra Hà Nội, diễn ở rạp Hồng Hà. Không được diễn nên Ngọc Tân phải ngồi ở quán nước bên hông nhà hát chờ.

Bên trong tiếng đàn tiếng hát tiếng vỗ tay ào ào, bên ngoài leo lét ngọn đèn dầu và những ngụm trà đắng chát. Lúc đứng dậy trả tiền, càng đắng hơn khi chủ quán xua tay: “Thôi, tôi biết chú là Ngọc Tân, đang bị cấm hát. Không được biểu diễn thì lấy đâu ra tiền. Kể như chén nước, thanh kẹo này là tôi đãi chú, tôi cũng hâm mộ tiếng hát chú lắm…”.

Ông bầu ca nhạc của chính mình

Cũng may sau đận ấy, Bông Sen đã làm được thủ tục, giang rộng tay đón Ngọc Tân. Nghệ sỹ Quang Hưng từng kể: “May quá, Tân nó được Bông Sen nhận rồi. Nhưng bước đầu chỉ mới là cộng tác viên, hợp đồng tạm thời, mức lương thấp lắm. Mình có đến nơi Tân ở nhờ trong Đoàn. Rớt nước mắt thương nó.

Chỗ ở của Tân là góc phòng tập của Đoàn. Đêm Tân rủ mình ngủ lại, nó gối đầu lên bốn viên gạch phủ bằng giấy báo. Nhưng nó vui lắm vì bắt đầu đã có nơi nhận, đã được đi hát!”. Đấy, Ngọc Tân đã đứng lên từ “tro bụi” như thế...

Đến một lúc, Ngọc Tân tự ngộ ra, không kinh doanh gì bằng kinh doanh chính tiếng hát của mình. Vậy là từ năm 1994, anh trở thành ông bầu của chính mình, vào Nam ra Bắc tổ chức các show Ngọc Tân.

Phải ghi nhận rằng, trong lãnh vực kinh doanh nghệ thuật, Ngọc Tân thuộc loại siêu bầu, không ai có thể qua mặt. Anh từng tổ chức 160 show diễn luôn thành công cả về nghệ thuật và doanh thu…

Nhìn vóc dáng to cao của Ngọc Tân, nghe giọng hát khỏe khắn, lại chứng kiến cách giữ gìn đến khắt khe trong ăn uống, sinh hoạt ai cũng nghĩ rằng Tân sẽ khỏe lắm, sẽ thọ lắm.

Nhưng trong một lần ra Hà Nội chăm sóc bố bị bạo bệnh, không hiểu sao Ngọc Tân lại chủ động khám tầm soát bệnh. Và thật không ngờ Tân mắc chính căn bệnh đã dày vò bố anh…

Ngọc Tân mất đến nay vừa tròn 17 mùa thu. Nhưng vẫn còn đây tiếng hát của anh, trong tiếng gió xao xác mùa thu kia, trong  tâm hồn biết bao bạn bè, người mộ điệu, và cả những thiếu phụ thầm thương trộm nhớ anh.

Hà Nội, Thu 2021

Nhà văn Châu La Việt (Tp. Hồ Chí Minh)

 

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp
LĐST - Chiều 11/1, tại Hà Nội, sau 4,5 ngày làm việc, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thành công...
Lý do bãi nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Sáng tạo
LĐST - Ông Nguyễn Công Tùng đã bị Ban Thường vụ Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam bãi nhiệm chức vụ...
Bãi nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Sáng tạo
LĐST – Ngày 21/12/2021, thay mặt Ban Thường vụ Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội đã...
Chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
LĐST - Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2021) và 32 năm Ngày hội Quốc phòng...
Trung tướng,PGS.TS.Nguyễn Tuấn Dũng: “Mãi mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ”
LĐST – Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, dù thời chiến hay thời bình, hình ảnh người lính luôn tỏa sáng với phẩm chất...
Vũ Huyền Diệu đăng quang Miss Eco Teen International
LĐST - Vũ Huyền Diệu (Bella Vũ) - cô gái 14 tuổi đã xuất sắc vượt qua các đối thủ đến từ nhiều quốc gia để đăng...
Trong khó khăn và thử thách, tình quân dân càng sâu sắc (*)
LĐST - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: "Nghĩa tình quân dân càng sâu sắc hơn trong những lúc gian khó và thử...