Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ong lấy mật
LĐST – Thời gian qua, mô hình nuôi ong lấy mật đã mang lại thu nhập tốt, nâng cao đời sống cho bà con nông dân xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội.
Mô hình nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Kim Sơn
Theo ông Trần Long Vân, Phó Chủ tịch xã Kim Sơn cho biết: Nghề nuôi ong lấy mật ở xã Kim Sơn đã có từ lâu, từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước nhưng mang tính tự phát, có quy mô nhỏ.
Sau đó, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trong xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ các loại rau màu giá trị thấp sang cây ăn quả, tạo điều kiện thuận lợi để nghề nuôi ong phát triển.
Sản phẩm mật ong cung ứng cho thị trường đã có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thị xã tham gia chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp của TP. Hà Nội, ông Vân cho biết thêm.
Theo đó, cuối năm 2020, sản phẩm mật ong Kim Sơn được TP. Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Hiện nay, tại địa phương đã có hàng trăm hộ nuôi ong lấy mật, ngoài việc khai thác mật các hộ gia đình còn nhân đàn bán ong giống, bán phấn hoa... mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Xuân Quyền, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Kim Sơn chia sẻ: mật ong Kim Sơn là sản phẩm từ ong nuôi, mỗi năm có 3 vụ thu. Trong đó, vụ Xuân là mật nhãn, mật vải; vụ Hè cho mật rừng (mật keo, bạch đàn) và vụ Thu là mật táo.
Hợp tác xã có 35 thành viên tham gia, hàng năm thu nhập bình quân của đơn vị đạt từ 25-30 nghìn lít mật ong.
Cũng theo ông Quyền, gia đình ông nuôi ong lấy mật từ hàng chục năm nay, mỗi năm cho thu khoảng 700 -1.000 lít mật ong, thu nhập bình quân khoảng 200-250 triệu đồng/năm.
Trong xã có nhiều nhà nuôi ong, nhà nhiều nhất khoảng 400-500 đàn ong, một năm thu được khoảng 5.000 lít, cho thu nhập khoảng 3-4 tỷ đồng.
Để hỗ trợ các hộ gia đình, hội viên phát triển nghề nuôi ong lấy mật, hợp tác xã thường xuyên tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và triển khai tập huấn kỹ thuật chăm sóc ong, đảm bảo chất lượng và sản lượng cung ứng ra thị trường.
Hồng Nhung