Nghị định số 93/2021/NĐ-CP: công khai, minh bạch trong hoạt động từ thiện
LĐST - Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về các hoạt động từ thiện, chính thức có hiệu lực từ ngày 11/12/2021. Nghị định mới này sẽ bổ sung tính pháp lý chặt chẽ hơn, thúc đẩy việc công khai, minh bạch, giúp đỡ đúng người, đúng đối tượng, xây dựng niềm tin trong xã hội, phát huy truyền thống nhân đạo "Lá lành đùm lá rách" lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Trước ảnh hưởng kéo dài của đại dịch kèm theo hậu quả của các trận thiên tai, bão lũ trong thời gian qua, đã có rất nhiều hoạt động từ thiện được phát động trong toàn dân với sự kêu gọi từ các tổ chức, cá nhân trên cả nước.
Ảnh minh họa từ thiện (nguồn: internet).
Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau những vụ lùm xùm về tính minh bạch hoạt động từ thiện của một số cá nhân, tổ chức thời gian vừa qua. Ngày 27/10/2021, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Đây có thể coi là hành lang pháp lý quan trọng để công tác từ thiện đạt hiệu quả thực chất, tránh tình trạng lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân, hay gây thất thoát, lãng phí nguồn tiền từ thiện.
Trước đó, năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ cũng với nội dung về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo nội dung từ Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, các quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 11/12/2021.
Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/10/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 11/12/2021, thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.
Nghị định 93/2021/NĐ-CP nêu rõ các quy định về việc cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước.
Nghị định gồm có 3 chương, chương 1 có 5 điều chặt chẽ gồm: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện và các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương 2 có bốn mục: Mục 1 quy định cụ thể: các tổ chức tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước; Mục 2 quy định chi tiết rõ ràng, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước; Mục 3 quy định các tổ chức tham gia vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện giúp đỡ các quốc gia khác bị thiên tai; Mục 4 quy định các tổ chức, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trựo bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Chương 3 quy định chặt chẽ điều khoản thi hành, gồm có trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương. Nghị định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 11/12/2021 và thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 trước đó.
Như vậy, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng mà Nghị định 93 quy định khá chi tiết, cụ thể. Bên cạnh các tổ chức như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, cơ quan, ban ngành, các cơ quan thông tin đại chúng... được vận động, tiếp nhận từ thiện như trước đây.
Chính phủ cũng khuyến khích tất cả các cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo tinh thần đoàn kết, tương thân, tương áí.
Trang Nhung