Thủ tướng chỉ đạo khẩn cấp ứng phó với siêu bão RAI
LĐST - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, siêu bão Rai 24h tới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc , sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.
Hồi 1h ngày 17/12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, ngay trên miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo đường đi của siêu bão Rai. Ảnh: TTDBKTTVQG.
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, cường độ suy yếu dần và đi vào Biển Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24h tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 8,5 đến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 10; từ gần sáng nay ở vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao nhất từ 8,0-10,0m; biển động dữ dội. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa): cấp 4.
Trong 48 – 72h tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 01 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định - Phú Yên khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-130km/giờ), giật cấp 15.
Trước tình hình đó, tối ngày 16/12, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn cấp triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão Rai.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão.
Cụ thể, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang phối hợp với lực lượng biên phòng và các cơ quan có liên quan chỉ đạo rà soát, nắm rõ ngay tất cả phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải và phương tiện khác) và các hoạt động trên biển.
Tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão.
Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú.
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang căn cứ diễn biến, nguy cơ ảnh hưởng của bão và thực tế tại địa phương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn cho người và tài sản trên các đảo và trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.
Đồng thời, rà soát, chuẩn bị sẵn phương án để chủ động ứng phó với tình huống bão ảnh hưởng đến địa phương; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là bảo đảm an toàn dân cư trong bối cảnh dịch Covid-19, bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất,...
ĐV