Chưa có quy định xử lý, tiêu hủy chó mèo do dịch bệnh COVID-19
LĐST - Việc cơ quan chức năng ở Cà Mau tiêu hủy đàn chó khi chủ của chúng không may dương tính COVID-19 khiến nhiều người xót thương, đồng thời đặt nhiều câu hỏi về dịch tễ và pháp lý.
Chiều 10/10, UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) tổ chức họp báo thông tin về vụ việc tiêu hủy 15 con chó, 1 con mèo của gia đình vợ chồng về quê tránh dịch được cách ly tập trung tại xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời.
UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức họp báo thông tin về vụ việc
Theo ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, vào lúc 22h30 ngày 8/10, Trung tâm Chỉ huy xã Khánh Hưng tiếp nhận 7 người về từ vùng dịch, trong đó có mang theo 15 con chó, 1 con mèo vào Khu cách ly tập trung Trường THPT Khánh Hưng.
Tuy nhiên, sau đó bị lực lượng chức năng ở Cà Mau đã tiêu hủy số vật nuôi trên vì chủ của chúng dương tính COVID-19. Sự việc này nhận được sự quan tâm có nhiều ý kiến từ cộng đồng mạng.
Hình ảnh chủ nhân và đàn chó trở về quê được cộng đồng mạng quan tâm
Theo TS. Võ Trung Tín (Đại học Luật TP.HCM), việc xử lý bầy chó phải căn cứ Luật chăn nuôi và Luật thú y. Để xử lý, cơ quan chức năng cần xác định được 2 vấn đề.
Thứ nhất, những con chó có phải là vật nuôi có thể truyền bệnh hay nguy cơ tiềm ẩn rủi ro về virus corona không?
Thứ hai là việc mang các con chó di chuyển với số lượng lớn có được xem là hành vi phải xử lý không?
"Trong vụ việc cơ quan chức năng ở Cà Mau tiêu hủy bầy chó thì không rõ họ dựa vào quy định nào, cách thức ra sao.
Nếu chủ chó có vi phạm hành chính thuộc trường hợp phải buộc tiêu hủy chó thì cần tuyên truyền cho người dân hiểu trước khi thực hiện….", Tiến sĩ Tín nói.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết: “Virus corona trên người và động vật có dòng riêng biệt, tế bào chủ khác nhau.
Dù virus từ người truyền sang chó thì cũng không tồn tại được. Do đó không thể có chuyện COVID-19 lây từ người qua chó và ngược lại”.
BS Hữu Khanh cho rằng, chó, mèo chỉ có thể trở thành trung gian lây nhiễm khi người mắc bệnh ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chúng nhưng không mang khẩu trang khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện giọt bắn, chất tiết của người bệnh vướng trên lông vật nuôi.
Sự lây nhiễm xảy ra trong trường hợp người không mắc bệnh ôm ấp chó, mèo dẫn tới virus dính lên tay, đưa lên mũi, miệng dẫn tới mắc COVID-19.
Theo BS Hữu Khanh, trong trường hợp trên, chính quyền địa phương chỉ cần vệ sinh khử khuẩn hoặc tắm cho bầy chó của người mắc COVID-19 thì sẽ không còn nguy cơ lây nhiễm. Ông Khánh nói: “Có lẽ vì áp lực phòng chống dịch bệnh và sự lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm quá lớn dẫn tới việc chính quyền địa phương quyết định tiêu hủy cả bầy chó của bệnh nhân. Tôi rất tiếc cho hành động này”.
Theo khoản 3 Điều 2 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì vật nuôi tiếp xúc với F0 trong trường hợp tại Cà Mau đủ điều kiện để được xem là “trung gian truyền bệnh”. Cụ thể ở đây là động vật mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Theo điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Phòng Chống bệnh truyền nhiễm 2007, việc tiêu hủy động vật là trung gian truyền bệnh là một biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy khuẩn được áp dụng tại vùng có dịch.
Tuy nhiên, theo điểm g khoản 2 Điều 54 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, việc tiêu hủy động vật có nguy cơ làm lây bệnh sang người áp dụng khi quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
Hiện nay, mới chỉ trong tình trạng là “có dịch” theo Quyết định 447/QĐ-TTg chứ chưa phải “tình trạng khẩn cấp”. Vì vậy, việc Cà Mau tiêu huỷ đàn chó có thể chưa sát với quy định pháp luật.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 20 Luật Phòng Chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì có thể áp dụng biện pháp “giám sát trung gian truyền bệnh”.
LS Đặng Thị Tâm - Giám đốc Công ty Luật BHL
|