Thứ bảy, 2/10/2021 | 16:55 GMT+7

Vaccine, thuốc phòng và chống Sars - Cov-2

LĐST - Tổ chức Y tế Thế giới - WHO định nghĩa về đại dịch như sau: “Đại dịch là sự lây lan trên toàn thế giới của một căn bệnh mới”. Một căn bệnh đặc hữu phổ biến và ổn định về số lượng người mắc bệnh thì đó không phải là một đại dịch thí dụ ung thư,... Lịch sử loài người từng ghi nhận 11 đại dịch lớn. Với đại dịch Covid-19, đến nay, thế giới cũng đã có một số vaccine và thuốc chống

1-1-61582a2769072

TS. Phùng Hà - Nguyên Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Tình hình chung về đại dịch Covid-19
Cho đến ngày 16 tháng 9 năm 2021, theo số liệu thống kê, tổng số ca mắc Covid-19 toàn cầu xấp xỉ 226 triệu ca, trong đó trên 4,65 triệu người không qua khỏi.

Tổ chức Y tế Thế giới - WHO định nghĩa về đại dịch như sau: “Đại dịch là sự lây lan trên toàn thế giới của một căn bệnh mới”. Một căn bệnh đặc hữu phổ biến và ổn định về số lượng người mắc bệnh thì đó không phải là một đại dịch thí dụ ung thư,..). Lịch sử loài người từng ghi nhận 11 đại dịch lớn, hầu hết chúng đều có tác động sâu sắc đến nền kinh tế, văn hóa và làm thay đổi văn minh thế giới.

- Bệnh dịch hạch Justinian (541 - 750 sau Công nguyên): Đại dịch hạch đầu tiên mà loài người gánh chịu xảy ra đã giết chết khoảng 50 triệu người khắp vùng Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi, chiếm một nửa dân số thế giới khi ấy.

- Cái chết đen (1347 - 1351): Trong vòng từ năm 1347 đến 1351, dịch bệnh lan rộng khắp châu Âu, giết chết khoảng 25 triệu người.

- Bệnh đậu mùa (thế kỷ 15 - 17): Bệnh đậu mùa đã cướp đi sinh mạng của khoảng 20 triệu người, gần 90% dân số ở châu Mỹ khi đó.

- Dịch tả: Đại dịch tả đầu tiên bắt đầu ở Ấn Độ (1817-1823) và giết chết hàng triệu người dân Ấn Độ khi ấy. Dịch tả lây nhiễm 1,3-4 triệu người mỗi năm, tỉ lệ tử vong hàng năm từ 21.000-143.000.

- Cúm Tây Ban Nha (1918 - 1919): Ca bệnh cúm bắt đầu từ Tây Ban Nha sau đó, bệnh lây lan qua Pháp, Anh, Ý,… Ước tính virus cúm lây nhiễm cho khoảng 500 triệu, hơn 50 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong vì dịch cúm này.

- Cúm Hong Kong, hay H3N2 (1968 - 1970): H3N2 xuất phát từ Hong Kong lan rộng khắp thế giới. Ước tính số người tử vong toàn cầu vào khoảng 1 triệu người, khoảng 100.000 trong số đó là ở Mỹ.

- HIV/AIDS (1981 - nay): Các trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên trên thế giới được ghi nhận vào năm 1981. Căn bệnh này đã lây nhiễm cho 75 triệu người, khoảng 32 triệu người đã chết và vẫn tiếp tục lây nhiễm, chưa có cách ngăn chặn triệt để.

- Dịch SARS (2002 - 2003): SARS hay hội chứng hô hấp cấp tính nặng, là một căn bệnh gây ra bởi một trong 7 loại coronavirus có thể lây nhiễm sang người. Dịch SARS lây nhiễm hơn 8.000 người và giết chết 774 người trên toàn thế giới.

- Cúm H1N1 (2009 - 2010): Tháng 3-2009, cúm xuất hiện tại Mexico. Trong vòng vài tháng, dịch cúm đã lây nhiễm cho hàng trăm triệu người, với số ca tử vong toàn cầu khoảng vài trăm nghìn người.

- Dịch Ebola (2014 - 2016): Dịch Ebola không lây nhiễm trên quy mô toàn cầu nhưng lại được đánh giá là cực kỳ nguy hiểm. Ebola đã giết chết 11.325 trong số 28.600 người nhiễm bệnh, hầu hết ở châu Phi.

- Covid-19 (tháng 12/2019 – đến nay): Tháng 1-2020, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Sau gần 2 năm dịch đã xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với hơn 42 triệu ca mắc và gần 680.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 443.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó có trên 587.000 ca tử vong.

Trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá hiện nay về hiệu quả, tính an toàn của vaccine phòng Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay, có ít nhất 17 vaccine đã được triển khai, 7 trong số đó đã được WHO phê duyệt vào Danh sách sử dụng khẩn cấp.

1-2-61582a2707a7c

Hình ảnh minh họa tiêm vaccine (ảnh internrt).

Một số loại vaccine phòng SARS – COV – 2 chính đang sử dụng
- Vaccine AstraZeneca: Vaccine AstraZeneca do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

- Vaccine Gam- Covid-Vac (tên khác là SPUTNIK V): Vaccine do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.

- Vaccine Vero Cell của Sinopharm: Vaccine này đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

- Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech: Vaccine của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

- Vaccine Spikevax (Tên khác là: Covid-19 Vaccine Moderna): Vaccine Spikevax do Moderna sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

- Covid-19 Vaccine Janssen: Vaccine này được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Thuốc chống SARS - COV-2 nói chung và thuốc tiềm năng Molnupiravir
Cùng với vaccine, thuốc điều trị Covid-19 là lĩnh vực được các nhà khoa học và chức trách tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng trong nỗ lực đưa thế giới vượt qua đại dịch.

Hiện chưa có loại thuốc hay phương pháp đặc trị duy nhất đối với Covid-19. Tuy nhiên có một số loại thuốc và phương pháp đã và đang hỗ trợ đắc lực trong phác đồ điều trị, đặc biệt góp phần giảm tỷ lệ bệnh nặng, tử vong và tăng khả năng hồi phục của bệnh nhân. Dưới đây là một số thuốc điều trị Covid-19 được sử dụng nhiều nhất.

- Remdesivir: Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 22/10/2020. Thuốc đã được 50 quốc gia và khu vực như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ,... đưa vào phác đồ điều trị Covid-19.

- Dexamethasone: Dexamethasone chứng minh hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân Covid-19 nặng (phải dùng máy thở hoặc cần cung cấp oxy). Đây là loại thuốc có giá rẻ, tuy nhiên thử nghiệm cho thấy thuốc không hiệu quả trong việc điều trị các bệnh nhân nhẹ.

- Tocilizumab và Sarilumab: Các thuốc điều trị viêm khớp có các hoạt chất Tocilizumab và Sarilumab có thể làm giảm nguy cơ tử vong và nhu cầu sử dụng máy thở ở các bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện.

- Regen-COV: Regneron có giấy phép sử dụng khẩn cấp cho Regen-COV vào tháng 11/2020, cho những bệnh nhân nhẹ đến trung bình, có nguy cơ cao tiến triển thành nặng.

- Artesunate, Imatinib và Infliximab: Ngày 11 tháng 8 năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo 3 loại thuốc sẽ được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 ở 52 quốc gia nhằm xác định hiệu quả chính xác của chúng trong giảm nguy cơ tử vong. Artesunate được tổng hợp từ Artemisinin, chiết xuất từ Thanh hao hoa vàng (THHV).

Nhân dịp WHO quyết định thử nghiệm Artesunate trên bệnh nhân Covid-19, xin cung cấp thêm thông tin về THHV. THHV là cây dược liệu thân thảo, hoa màu vàng, tại nước ta THHV mọc hoang ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lâm Đồng,... Artemisinin chiết suất từ THHV đã được dùng để điều trị sốt rét cho hàng triệu người trên thế giới mỗi năm. Bà Tu Youyou, quốc tịch Trung Quốc, đã được nhận 50% Giải thưởng Nobel về y học cho những thành công về Artemisinin. Tại Việt Nam, toàn bộ công trình nghiên cứu của 16 tập thể thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2004 cho công trình “Nghiên cứu chiết xuất artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng Việt Nam và chuyển hoá thành các chất dẫn có hoạt tính mạnh hơn chữa sốt rét kháng thuốc".

Thời gian gần đây tại nhiều quốc gia như Mỹ và tại châu Âu các nhà khoa học đã phát hiện ra hoạt tính chống Covid-19 của hoạt chất có trong THHV. Tại Đức, các nhà nghiên cứu tại Max Planck Institute of Colloids and Interfaces, Potsdam đã phối hợp với các nhà nghiên cứu Đại học Tự do Berlin kết luận rằng Artemisinin có hoạt tính chống vi rút corona. Tại Mỹ, GS. Pamela Weathers, Worcester Polytechnic Institute, Massachusetts, cho biết bước đầu có thể kết luận: Cây THHV có hiệu quả chống lại tất cả virus: virus nguyên bản và hai biến thể từ Anh và Nam Phi, thảo dược này có thể ngăn chặn được khả năng nhân rộng của virus bên trong tế bào.

- Từ dược liệu: Mới đây, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam phối hợp với môt số công ty Dược phát triển sản phẩm Vipdervir, trong thành phần có nhiều loại thảo dược như xuyên tâm liên, đinh hương, hoa hòe, thanh hao hoa vàng, chùm ngây,...(đã có kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng).

- Molnupiravir

Trong các loại thuốc tổng hợp thì Molnupiravir đang là loại thuốc hứa hẹn. Hiện nay Mỹ đang thử nghiệm giai đoạn 3 loại thuốc điều trị Covid-19 qua đường uống. Molnupiravir tổng hợp qua 2 giai đoạn, giá thành tổng hợp thấp, nguyên liệu ban đầu là cytidine (thành phần của RNA).

Molnupiravir đang là ứng viên tiềm năng nhất cho hy vọng chấm dứt đại dịch Covid-19 trong tương lai gần. Nếu quá trình nghiên cứu, thử nghiệm suôn sẻ, thuốc Molnupiravir sẽ được đưa ra thị trường trong 4-5 tháng tới.

Chính phủ Mỹ đã chi khoảng 1,2 tỉ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir sử dụng cho các bệnh nhân Covid. Nếu kết quả thành công, FDA của Mỹ sẽ cấp phép cho loại thuốc này. Loại thuốc này có nằm trong Kế hoạch khẩn cấp do Chính phủ Mỹ đầu tư trị giá 3 tỷ USD như một phần của Chiến lược phát triển chống Covid-19.

Molnupiravir có Code MK - 4482 được nghiên cứu dùng chống cảm cúm. Tháng 7 năm 2020, Công ty Merck phối hợp với Ridgeback Biotherapeutics phát triển thành thuốc chống Covid-19. Tháng 10 năm 2020 Merck thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 trên người bệnh, hiệu quả 100% trên các bệnh nhân Covid-19. Nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 cũng gần đi đến giai đoạn cuối.

Molnupiravir được bào chế dưới dạng viên, sử dụng qua đường uống giúp ức chế sự tiến triển của bệnh thành nặng, rút ngắn giai đoạn lây nhiễm.

Molnupiravir sẽ là một bổ sung mạnh mẽ cho kho vũ khí để đẩy lùi đại dịch SARS-CoV-2, bên cạnh vaccine ngừa Covid-19, đặc biệt là đối với các biến thể chưa có vaccine.

Ngày 26/8/2021, Bộ Y tế ban hành 7 loại trong danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc Covid-19. Nhóm 7 loại thuốc nói trên gồm: Thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol; Thuốc cân bằng điện giải; Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng Vitamin tổng hợp; Thuốc sát khuẩn hầu họng - Natri chlorit, thuốc sát khuẩn hầu họng khác; Thuốc kháng virus; Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống; Thuốc chống đông máu đường uống. Từ ngày 16/8/2021, Bộ Y tế đã thí điểm đưa thuốc Molnupiravir vào phác đồ điều trị.

Thuốc phòng SARS - COV–2
Có khá nhiều người phải dùng thuốc vì không thể tiêm vaccine hoặc do suy giảm miễn dịch nên vaccine không đem lại hiệu quả. Tin rất vui là thuốc ARD 7442 có khả năng sẽ giải quyết được những bất tiện nêu trên.

AstraZeneca (Công ty sát nhập Astra AB của Thụy Điển với Zeneca của Anh) sau khi phối hợp với Đại học Oxford thành công trong việc sản xuất vaccine đã tiếp tục nghiên cứu phát triển thuốc AZD7442, để điều trị cho những người mắc COVID-19. Chính phủ Mỹ đã tài trợ AstraZeneca 486 triệu USD cho việc nghiên cứu phát triển AZD 7442.

Thuốc được thử nghiệm đối với 5.197 người trưởng thành không mắc COVID-19 tại 97 địa điểm ở Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ. Kết quả nghiên cứu quan trọng ở Giai đoạn 3 cho thấy AZD7442 đã giúp giảm 77% nguy cơ phát triển bệnh có triệu chứng và không có trường hợp nào nghiêm trọng. Những người tham gia nghiên cứu sẽ tiếp tục được theo dõi trong 15 tháng. AZD7442 có thể ngăn chặn nhanh chóng và hiệu quả các triệu chứng của bệnh. AZD 7442 cung cấp cho bệnh nhân những kháng thể mà cơ thể họ không tạo ra được từ việc tiêm chủng. AZD7442 có thể là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Với những kết quả nêu trên, vào ngày 20/8/2021, AstraZeneca đã nộp hồ sơ theo quy định để cấp phép khẩn cấp hoặc phê duyệt có điều kiện đối với thuốc AZD7442, trong việc phòng ngừa Covid-19.

Thay cho lời kết
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của loài người sẽ chưa thể có hồi kết trong một sớm một chiều, khi mà virus SARS-COV-2 đang có những biến thể mới, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm khôn lường. Loài người từng không ít lần chao đảo, nhiều khi nặng nề vì đại dịch nhưng con người đã nhiều lần chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh bởi trí tuệ, bới những phát minh khoa học, bởi sự chia sẻ thông tin, hợp tác chặt chẽ với nhau trên quy mô toàn cầu. Loài người chắc chắn sẽ vượt qua đại dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất./.

TS. Phùng Hà

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp
LĐST - Chiều 11/1, tại Hà Nội, sau 4,5 ngày làm việc, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thành công...
Lý do bãi nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Sáng tạo
LĐST - Ông Nguyễn Công Tùng đã bị Ban Thường vụ Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam bãi nhiệm chức vụ...
Bãi nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Sáng tạo
LĐST – Ngày 21/12/2021, thay mặt Ban Thường vụ Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội đã...
Chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
LĐST - Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2021) và 32 năm Ngày hội Quốc phòng...
Trung tướng,PGS.TS.Nguyễn Tuấn Dũng: “Mãi mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ”
LĐST – Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, dù thời chiến hay thời bình, hình ảnh người lính luôn tỏa sáng với phẩm chất...
Vũ Huyền Diệu đăng quang Miss Eco Teen International
LĐST - Vũ Huyền Diệu (Bella Vũ) - cô gái 14 tuổi đã xuất sắc vượt qua các đối thủ đến từ nhiều quốc gia để đăng...
Trong khó khăn và thử thách, tình quân dân càng sâu sắc (*)
LĐST - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: "Nghĩa tình quân dân càng sâu sắc hơn trong những lúc gian khó và thử...