Nâng cao năng lực hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp
LĐST - Không chỉ giải quyết tốt bài toán kinh tế, giúp tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả, việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái còn mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Đây là nội dung phần 2 của hội thảo do Ban Quản lý Dự án KCN sinh thái, Bộ KH&ĐT phối hợp với Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam tiếp tục tổ chức.
Hội thảo lần này nằm trong khuôn khổ dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI).
Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội và 5 tỉnh/thành phố:
TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Tại hội thảo, các chuyên gia UNIDO và Việt Nam đã chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá KCN sinh thái theo Khung khổ quốc tế, quản lý KCN sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái; khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn; khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp.
Ông Ankit Kapasi, chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái Sofies cho rằng, cộng sinh công nghiệp là sự phối hợp giữa các ngành, các doanh nghiệp khác nhau nhằm sử dụng tài nguyên hiệu quả, cùng chia sẻ tài sản chung (điện, nước, hiệp đồng nguồn cung, khách hàng, sản phẩm phụ) với mục tiêu là tối đa hóa nguồn lực, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho các bên, cộng đồng, đô thị.
Ông Ankit Kapasi, chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái Sofies phát biểu tại Hội thảo.
Nói cách khác, cộng sinh công nghiệp là tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải thông qua quản lý bền vững chất thải và các sản phẩm phụ giữa các ngành/công ty; cộng sinh giữa các công ty giúp hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.
Ông Ankit Kapasi chia sẻ và dẫn chứng một số KCN điển hình trên thế giới đã triển khai tốt cộng sinh công nghiệp, như: mô hình KCN Kwinana (Úc); KCN Map Ta Phut (Thái Lan); cộng sinh công nghiệp- đô thị ở Kalundborg (Đan Mạch), KCN Cabazon, California, Mỹ… Cộng sinh công nghiệp – Yếu tố quan trọng cho thành công của mô hình KCN sinh thái
Về hợp phần cộng sinh công nghiệp nhằm ánh giá tiềm năng chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Các hoạt động bao gồm: Khảo sát, đánh giá, nghiên cứu khả thi các giải pháp cộng sinh công nghiệp; thực hiện các giải pháp cộng sinh ưu tiên; đào tạo kiến thức về cộng sinh công nghiệp.
Theo ông Đinh Mạnh Thắng, chuyên gia của VNCPC cho biết: Dự án đánh giá về khả năng chuyển đổi từ mô hình KCN thông thường sang KCN sinh thái nhằm phát hiện cơ hội CSCN thực hiện tại 3 địa phương Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ cho thấy, có rất nhiều cơ hội cho mô hình CSCN và bản thân các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến mô hình này.
Tuy nhiên, vấn đề pháp lý hiện đang ảnh hưởng rất lớn đến phát triển KCN sinh thái và mô hình CSCN tại các KCN. Đơn cử như vấn đề nước thải, nước thải loại A thì luật không cho phép tự chuyển cho công ty khác mà phải qua khu trung tâm, sau đó mới quay ngược trở lại cho doanh nghiệp cộng sinh, thành ra đường nước vòng vèo và phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề phòng cháy chữa cháy, đây không phải là vấn đề KCN có thể giải quyết mà liên quan đến công an và bộ phận xử lý nước thải, nên cũng gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện những dự án cộng sinh.
Ban tổ chức kỳ vọng hội thảo sẽ góp phần chuẩn bị cho kế hoạch nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên cả nước, phát huy vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Nam Long