Thứ hai, 11/10/2021 | 14:17 GMT+7

Y học cổ truyền hỗ trợ phòng chống Covid-19 thế nào?

LĐST - Người Việt thường “có bệnh thì vái tứ phương” nên trong dịch Covid-19 không ít người hoang mang, lo sợ đã cả tin sử dụng các bài thuốc, các chế phẩm, các hướng dẫn diệt trừ vi-rút theo tin đồn thổi vô căn cứ để rồi suýt mang họa.

Vậy nên, hiểu rõ về bệnh, hợp tác với thầy thuốc và tự giác nâng cao thể lực là điều cần thiết với mỗi người để chiến thắng bệnh tật nói chung và dịch Covid-19 nói riêng.

1-6163db28798b0

Hình ảnh minh họa virus Corona.

Hiểu đúng bệnh…

Theo y học cổ truyền bệnh dịch Covid-19 được gọi là ôn dịch, dịch lệ hay dịch độc, là loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, được cho là do các dị khí (lệ khí, quái khí…) gây nên. Người bệnh do vệ khí kém, cảm nhiễm phải tà độc (các dị khí) và chính khí của cơ thể (sức đề kháng của cơ thể) suy giảm, không thắng được tà khí mà phát bệnh. Trong cơ thể diễn ra quá trình đấu tranh giữa chính khí và tà khí, khi tà khí thiên thắng, bệnh sẽ phát sinh và diễn ra theo nhiều giai đoạn:  

Khi tà khí mới xâm nhập, giao tranh chính - tà diễn ra ở phần dinh vệ, tức là phần nông của cơ thể được gọi là bệnh còn ở biểu với các biểu hiện: Phát sốt, sợ lạnh, sợ gió, đau đầu, toàn thân đau mỏi... là giai đoạn sơ khởi, sớm nhất. Điều trị giai đoạn này ngoài việc nâng cao chính khí cho cơ thể thì biện pháp chủ yếu là giải biểu. Tùy theo chứng trạng cụ thể của người bệnh mà có thể sử dụng các bài thuốc kinh điển có tác dụng nâng cao chính khí kết hợp giải biểu.

Để nâng cao chính khí, việc ăn uống hợp lý, đủ dưỡng chất, giàu vitamin là biện pháp cần đặc biệt chú ý trong mùa dịch. Vì dinh khí, vệ khí đại diện cho chính khí trong cơ thể được nuôi dưỡng bởi các chất tinh vi có được từ đồ ăn thức uống. Việc ăn uống thất thường, thiếu khoa học, mất cân đối sẽ ảnh hưởng tới chính khí của cơ thể, khiến bệnh tà dễ xâm nhập, gây bệnh.

… Làm đúng cách

Một phương pháp giải biểu rất phổ biến và hiệu quả cao được dùng trong dân gian là nồi lá xông thường dùng trong các bệnh cảm, cúm thông thường và không loại trừ các bệnh ôn dịch do ngoại tà. Với cư dân ở vùng nông thôn việc kiếm nồi là xông rất dễ dàng và miễn phí.

Với nhiều loại cây lá trong vườn nhà có tinh dầu thơm như: lá bưởi, cây lá sả, lá tre, ngải cứu, hương nhu, bạc hà, tía tô…mỗi thứ một nắm to, rửa sạch, cho vào nồi xâm xấp nước, đun nhỏ lửa cho sôi. Chọn nơi kín gió, cởi quần áo, dùng chiếu, chăn quây kín người bệnh cùng với nồi nước xông bốc khói. Xông cho tới khi người bệnh ra nhiều mồ hôi, mở chăn chiếu từ từ, lau khô mồ hôi hoặc tắm nhanh bằng nước ấm rồi lau khô, mặc quần áo, đắp chăn nằm nghỉ. Với cư dân thành phố cũng dễ dàng mua được lá xông ở nhiều chợ cóc, chợ nổi.

2-6163db28a7ea8

Một số dược liệu thường dùng trong nồi lá xông.

Bát cháo giải cảm cũng là một bài thuốc, một thực đơn ăn uống hết sức đơn giản mà vừa có tác dụng giải biểu để đuổi ngoại tà vừa có tác dụng dinh dưỡng góp phần nâng cao chính khí cơ thể. Bát cháo giải cảm truyền thống theo kinh nghiệm dân gian gồm có: cháo trắng còn đang sôi trên bếp được múc vào bát có đập sẵn 1 quả trứng gà cùng lượng vừa đủ lá tía tô thái nhỏ, hành muối gia vị tùy theo khẩu vị người ăn.

Bát cháo được trộn đều, ăn nóng. Người bệnh được ăn nóng, cơ thể toát ra nhiều mồ hôi đó là tác dụng giải biểu. Thành phần dinh dưỡng trong bát cháo cùng với dược tính ôn ấm của lá tía tô, của hành lá góp phần nâng cao chính khí của cơ thể.

 3-6163db28db32b

4-6163db2905e1a

Bát cháo giải cảm.

Ngoài ra các phương pháp thể dục, dưỡng sinh, yoga… tùy theo trường phái và sở thích cá nhân đã và đang thực hiện có hiệu quả với từng cá nhân cũng cần được tiếp tục phát huy với điều kiện cụ thể trong mùa dịch, nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Điều trị tích cực, triệt để

Khi tà khí đã xâm nhập sâu vào bên trong, tức là đã vào tới phần khí, huyết, các tạng của cơ thể, y học cổ truyền gọi là bệnh đã nhập lý. Khi bệnh đã nhập lý thì việc điều trị giải biểu đã không còn giá trị và có thể còn làm cho bệnh nhân bị nặng thêm. Giai đoạn này tuyệt đại đa số bệnh nhân đã được thu dung, điều trị tại các cơ sở y tế chuyên sâu với các phương pháp điều trị tích cực.

Giai đoạn này việc kết hợp giữa thuốc tân dược với các bài  thuốc y học cổ truyền phải được thực hiện bởi các thầy thuốc có trình độ chuyên khoa. Y học cổ truyền sẽ căn cứ vào tứ chẩn (vọng – văn – vấn – thiết), luân bát cương (biểu – lý; hàn – nhiệt; hư – thực; âm – dương) mà đề ra pháp điều trị, dùng bài thuốc phù hợp với từng bệnh nhân, từng giai đoạn bệnh.

Phát huy giá trị tinh hoa

Kết hợp Y học cổ truyền với y học hiện đại là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 cũng không ngoại lệ.

Thực tế cho thấy đã có nhiều cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 đã vận dụng y học cổ truyền phối hợp với y học hiện đại trong điều trị các bệnh nhân F0 không triệu chứng; F0 có triệu chứng mức độ vừa và nhẹ mang lại hiệu quả khá rõ rệt.

Theo thông tin từ Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an trong đợt điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang cho kết quả thời gian khỏi bệnh sớm hơn 5 ngày đối với F0 có triệu chứng nhẹ và vừa. Đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng rất thấp.

Viện Y dược học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh sử dụng các sản phẩm đông y cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện dã chiến số 1 của quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy người được sử dụng giảm rõ rệt các triệu chứng mỏi mệt, hồi phục sức khỏe tốt hơn…

Các lực lượng chức năng đã chỉ ra vũ khí để chiến thắng đại dịch Covid-19 là: Vaccine, thuốc và ý thức của mỗi con người. Vì vậy mỗi người dân cần thấu triệt và tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh vì mình và cả cộng đồng.

TS.BS Nguyễn Công Thực

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp
LĐST - Chiều 11/1, tại Hà Nội, sau 4,5 ngày làm việc, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thành công...
Lý do bãi nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Sáng tạo
LĐST - Ông Nguyễn Công Tùng đã bị Ban Thường vụ Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam bãi nhiệm chức vụ...
Bãi nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Sáng tạo
LĐST – Ngày 21/12/2021, thay mặt Ban Thường vụ Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội đã...
Chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
LĐST - Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2021) và 32 năm Ngày hội Quốc phòng...
Trung tướng,PGS.TS.Nguyễn Tuấn Dũng: “Mãi mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ”
LĐST – Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, dù thời chiến hay thời bình, hình ảnh người lính luôn tỏa sáng với phẩm chất...
Vũ Huyền Diệu đăng quang Miss Eco Teen International
LĐST - Vũ Huyền Diệu (Bella Vũ) - cô gái 14 tuổi đã xuất sắc vượt qua các đối thủ đến từ nhiều quốc gia để đăng...
Trong khó khăn và thử thách, tình quân dân càng sâu sắc (*)
LĐST - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: "Nghĩa tình quân dân càng sâu sắc hơn trong những lúc gian khó và thử...